Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều vùng trồng rau củ quả có diện tích lớn, bên cạnh các loại rau như bắp cải, cà chua, rau cải, xà lách..., người dân đã cải tạo đất để phát triển các loại rau gia vị, điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Thường Tín). Với ưu điểm chi phí đầu tư ít, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu hoạch quanh năm, mô hình trồng rau gia vị đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX.
Tân Minh là một trong những vùng rau nổi tiếng lâu đời ở huyện Thường Tín, mang nét đặc trưng chuyên trồng các loại rau lagim - loại rau thơm chủ yếu dùng ăn sống, nên hầu hết cánh đồng của Tân Minh hiếm khi thấy nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước đây, từ những cánh đồng cấy lúa kém hiệu quả, một số hộ trong xã đã tiến hành canh tác các loại rau ăn lá và rau gia vị. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, cùng việc “truyền tai nhau”, đến nay, hầu như đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã biến thành "vựa" rau an toàn với diện tích 218ha của 1.685 hộ gia đình. Sau đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thường Tín đã có những hướng dẫn và hỗ trợ trong việc cung cấp các giống rau đạt chuẩn, kỹ thuật canh tác cũng như một số công nghệ tiên tiến, đặc biệt là hướng đến mô hình trồng rau sạch, an toàn.
Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX thường xuyên tập huấn, nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho nông dân; đồng thời thành lập các tổ giám sát chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất rau của các thành viên. Giống rau trồng chủ yếu của HTX là kinh giới, mùi tàu, húng, tía tô…Hiện, HTX Tân Minh đã trở thành một trong những HTX nông nghiệp điển hình với mô hình trồng rau gia vị hiệu quả và bền vững của Hà Nội. "Từ những cánh đồng lúa kém hiệu quả, người dân đã biến thành "vựa" rau an toàn. Vùng rau gia vị Tân Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, các thành viên HTX với thu nhập vài trăm triệu đồng/ha nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần ổn định đời sống", Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Thắng cho hay.
Với chất lượng sản phẩm cao và phương pháp canh tác hiệu quả, HTX Tân Minh đã đạt được hiệu quả kinh tế vượt trội. Doanh thu từ việc bán rau gia vị không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho các thành viên HTX mà còn đóng góp vào ngân sách địa phương. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ, siêu thị và nhà hàng ở Thủ đô.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, song trồng rau gia vị ở HTX Tân Minh cũng gặp khó khăn, đặc biệt là sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Theo ông Thắng, mấy năm vừa qua, diện tích rau gia vị tại địa phương tăng đáng kể, lên khoảng 10 ha. Tuy nhiên, gần đây, rau có hiện tượng nhiễm sâu bệnh nhiều nếu không chăm sóc tốt.
Chị Phạm Thị Tín (thành viên HTX) cho biết, mùa này mưa nắng thất thường, nên rau hay bị rầy rệp, sâu lá, thậm chí chết. Nguyên nhân một phần cũng do người dân canh tác nhiều năm, trong đất vẫn còn mầm mống của sâu bệnh.
“Có những vụ sâu bệnh nhiều quá nên công chăm sóc phải bỏ ra nhiều hơn. Kinh nghiệm của tôi hiện nay là cần luân canh thường xuyên, mỗi ruộng trồng một loại rau khác nhau luân phiên, bởi mỗi loại rau có một loại sâu bệnh khác nhau. Làm như vậy để mầm mống sâu bệnh không còn”, chị Tín nói.
Theo đó, luân canh cây trồng là phương pháp thay đổi các loại cây trồng trên cùng một mảnh đất theo mùa vụ hoặc năm, nhằm tăng năng suất và bảo vệ "sức khỏe" đất. HTX Tân Minh đã xác định luân canh là hướng đi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích vượt trội.
Việc thay đổi cây trồng giúp đất không bị bạc màu và duy trì được độ phì nhiêu, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. HTX Tân Minh đã áp dụng luân canh với các loại rau gia vị như húng quế, ngò gai và húng chanh, kết hợp với các loại cây trồng khác như đậu, cà chua và bắp cải.
Luân canh giúp phá vỡ vòng đời của sâu bệnh và cỏ dại, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và hóa chất. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sản phẩm nông sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng. “Việc thay đổi loại cây trồng giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng cường khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển. Bên cạnh đó, luân canh giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và phân bón. Các cây trồng khác nhau có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, việc thay đổi cây trồng giúp tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên này”, Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Thắng phân tích.
Theo chia sẻ, rau Tân Minh thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Trung bình mỗi năm, xã Tân Minh cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau các loại.
Ông Thắng cho biết, để vùng rau Tân Minh phát triển mạnh, HTX tiếp tục làm cầu nối liên kết tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu đề xuất các ngành chức năng xây dựng thương hiệu rau Tân Minh để tăng giá bán ra thị trường.
Nhờ áp dụng luân canh, HTX Tân Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năng suất cây trồng tăng lên, sâu bệnh giảm thiểu, chất lượng đất được cải thiện, và chi phí sản xuất được tối ưu hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên HTX mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững. Trong tương lai, HTX Tân Minh dự định tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến hơn nữa. Tầm nhìn của HTX là trở thành một mô hình mẫu về nông nghiệp bền vững, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Có thể thấy, việc trồng rau phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, để giúp người trồng rau nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng từ khâu quy hoạch đến hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.