Một cuộc đời huyền thoại nghệ nhân Đào Văn Can

08/08/2024 09:00

Đến nhà thờ nghệ nhân Đào Văn Can ở quê gốc - làng Triều Đông (Tân Minh - Thường Tín - Hà Nội), gặp ông Nguyễn Đình Sâm - người cháu duy nhất có thể kể được những câu chuyện ít ỏi về cụ - chúng tôi mới có được tư liệu. Song, với một người nông dân chất phác, thật thà, ngày ngày quanh với đàn vịt ấy, những câu chuyện về chính ông ngoại mình cũng lãng đãng, mơ màng như sương khói...\

Gia cảnh nghèo khó nên ngay từ thuở lọt lòng, ông Can đã theo hai cụ thân sinh sang Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) làm thuê. Đào Văn Can lớn lên bên bàn xoay và đất nặn nên đã sớm đến với công việc của người thợ gốm. Mười ba tuổi, cậu bé Can ham học hỏi, cần mẫn được một xưởng gốm nhận vào làm việc, công việc đầu tiên là vẽ trên chén đĩa.

Hai năm sau, anh Phạm Văn Trước cũng người Bát Tràng, vốn làm cai bát cho Trường Bách nghệ Hà Nội (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) rủ Đào Văn Can về cùng làm những sản phẩm mỹ nghệ cao cấp. Những ngày làm việc ở đây, Đào Văn Can còn làm sản phẩm giả cổ, bước đầu tiếp cận chuẩn mực của nghệ thuật gốm cổ - một công việc không dễ bởi nó đòi hỏi tính kiên trì, cẩn thận; và bởi phục chế gốm là loại hình khó nhất trong nghệ thuật phục chế. Thế nhưng với năng khiếu thiên bẩm và ý thức lao động miệt mài, Đào Văn Can đã thành công, sản phẩm của cậu được người làng Bưởi (Hà Nội) rất chuộng.

Bước qua tuổi đôi mươi, Đào Văn Can vào làm việc trong “lò ông Thiếu Hà Đông” (Công ty gốm Thanh Trì của Hoàng Trọng Phu ) với mức lương trung cấp của quan chức thời Pháp thuộc: 45 đồng. Nguyễn Bá Chính sang Pháp học kỹ thuật làm gốm, học khắc họa tiết lên bảng đồng, làm bản in rồi dán vào sản phẩm để giảm giá thành nhưng người áp dụng thành công lý thuyết đó lại là Đào Văn Can chứ không phải Nguyễn Bá Chính. Năm 1925, vua Bảo Đại tuần du Bắc Kỳ, đến thăm “lò ông Thiếu Hà Đông”, hai cha con Hoàng Trọng Phu giới thiệu và tiến cử, chính tay vua Bảo Đại đã gắn “Mề đay, Kim khánh” (Mề đay của Pháp, Kim khánh của triều Nguyễn, dùng ban tặng như huy chương) lên ngực ông, sau đó ông được phong hàm Cửu phẩm bá hộ (hàm phong cho lý dịch và thợ thủ công lành nghề không có bằng cấp).

Cụ Đào Văn Can và tác phẩm làm quà tặng của Bác Hồ tới Thủ tướng Nêru trong chuyến thăm hữu nghị Ấn Độ năm 1964 (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp).

                                  Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - tác phẩm giành giải Nhì trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960.

                                         ​Tác phẩm Kim Đồng được Bác Hồ khen

Thiết kế, xây dựng và trang trí toàn bộ chùa Hưng Ký

Ông Hưng Ký (tức Trần Văn Thành), chủ Nhà máy gạch Cầu Đuống là người làng Hoàng Mai (Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hà Nội ngày nay) muốn xây dựng trên đất làng một ngôi chùa và một ngôi đền, ông mời Đào Văn Can về làm việc. Hai ngày cuối tuần Hưng Ký cho xe riêng đưa đón ông xuống làm việc. Hưng Ký còn cho xe đưa ông đi rất nhiều nơi để tham quan: chùa Trầm (Hà Tây cũ), chùa Tuần Quán (Yên Bái), đền Thượng Ngàn (Tuyên Quang)... và giao toàn quyền từ thiết kế, xây dựng đến trang trí cho nghệ nhân Đào Văn Can. Phải mất một thời gian ông mới thỏa thuận được với “lò ông Thiếu” để sang tập trung làm chùa cho Hưng Ký trong hai năm với mức lương bằng lương công chức cao cấp của chính quyền thuộc địa bấy giờ: 100 đồng (“Lò ông Thiếu” vẫn trả 45 đồng mỗi tháng để giữ chân ông).

Hưng Ký để Đào Văn Can tự do sáng tạo, ông đã đưa gốm vào trang trí chùa Hưng Ký, có thể thấy những họa tiết đắp nổi, tô men tây có mặt ở cả trong và ngoài chùa. Đáng chú ý nhất là những câu chuyện được kể lại bằng... tượng: Tây du ký, Sự tích Thích Ca đi tu, Tích Quan Âm Thị Kính... tất cả đều tươi vui, trong sáng, sinh động. Trên mỗi pho tượng cao 20 - 30cm, thế giới nội tâm và đời sống tình cảm được thể hiện rất rõ; và hơn hết, tượng của ông luôn gần gũi, chân thực; những ngày dày công quan sát các cô cắt cỏ, các bà đi chợ... đã được đền đáp xứng đáng: những pho tượng Phật cao 2m đến 5m ngồi kín khắp 5 gian chùa, đến những bức tranh gốm tứ linh, tứ quý, tượng hộ pháp, lưỡng long chầu nguyệt... đều in đậm phong cách và kỹ thuật nung gốm của Đào Văn Can.

Sau này (năm 1942 - 1943) ông lấy mẫu và cách làm của chùa Hưng Ký để xây chùa trên quê hương Triều Đông. Chùa Triều Đông tuy không lớn bằng chùa Hưng Ký nhưng mang nhiều không khí tôn nghiêm, u tịch vốn có của chùa chiền. Gần 500 pho tượng nhỏ của Thập Điện Diêm Vương với cách làm rất sáng tạo: ông nặn một số mẫu cho thợ rập khuôn rồi tự tay sửa lại nét mặt, tư thế, sau đó cho vào lò nung; vì thế tuy là tượng làm khuôn nhưng mỗi pho một vẻ không hề trùng lặp. Đến nay, ở Việt Nam chỉ có hai ngôi chùa được xây dựng bằng gốm sứ độc đáo (cùng với gạch ngói thông thường) là chùa Hưng Ký và chùa Triều Đông thì cả hai đều là công trình sáng tạo của nghệ nhân Đào Văn Can.

Nghệ sĩ điêu khắc và người thầy chưa một ngày được đi học

Năm 1948, tượng bà Pháp Vũ ở chùa Đậu bị giặc Pháp đốt phá, ông Cửu Bén (tên thân mật người làng dùng để gọi nghệ nhân Đào Văn Can) được mời về đắp cốt tượng Pháp Vũ để đổ khuôn đúc đồng. Những người già trong làng nhớ lại: Chúng tôi hồi ấy là trẻ trâu nên hay vào xem, lần nào cũng thấy cụ đứng kiểm tra, những chi tiết thợ nặn không đẹp, cụ giảng giải đến nơi đến chốn, khi thợ tiếp nhận được rồi thì cụ bắt phá đi, làm cái khác chứ không được ỷ lại vào những gì cụ đã chỉnh sửa. Pho tượng cao 0,9m đó tuy cùng phong cách nhưng lại có nhiều điểm khác tượng cũ: ông không lấy nguyên phong cách tượng Chàm (ngực lớn, hông nhỏ, ít vải) mà tạc kín đáo và gần gũi với con người thực.

Trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, nghệ sĩ điêu khắc Đào Văn Can được gặp Bác Hồ. Bác đến thăm triển lãm, dừng lại trước tượng Kim Đồng, Người bắt tay thân mật và nghe nghệ sĩ nói về tác phẩm, Bác khen: “Tinh thần lắm!”. Chỉ ba từ ngắn ngủi thôi nhưng là niềm động viên rất lớn đối với ông trong quá trình sáng tạo sau này. Trong triển lãm đó, tác phẩm Ẵm em xem sách của nghệ sĩ Đào Văn Can giành giải Nhì và được sang Rumani tham dự Triển lãm Mỹ thuật 12 nước XHCN; tác phẩm hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Bucarest (Rumani).

Sau này Đào Văn Can đã sáng tác thêm những tượng nhỏ thấm đẫm tinh thần dân tộc như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận... Tiêu biểu nhất là tác phẩm ông gửi gắm tình cảm của mình với Đảng, Bác Hồ và cuộc Cách mạng vĩ đại của dân tộc - tượng Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - tác phẩm giành giải Nhì trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960. Đến năm 1964, sau 1 năm sang chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) nghiên cứu, ông đã thành công trong việc thu nhỏ tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt từ chiều cao 3,2m xuống còn 0,8m. Bức tượng gốm sơn son thếp vàng này được theo Bác Hồ trong chuyến thăm hữu nghị của Người tới Ấn Độ, đây là món quà Bác dành tặng Thủ tướng Nêru.

Một dấu ấn nữa không thể không nhắc đến trong cuộc đời cụ Can: Một người chưa bao giờ được cắp sách đến trường trở thành giảng viên khoa gốm của Trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ nghệ Việt Nam) là điều rất ít thấy trong lịch sử giáo dục nước nhà. Cả cuộc đời ông chưa một ngày được đến trường, trừ mấy năm theo học cụ đồ Nho bên Bát Tràng, còn lại, chữ Quốc ngữ và Pháp ngữ đều do tự học. Thế hệ học trò của cụ đến nay có rất nhiều người thành danh như các ông: Cao Trọng Thiềm, Trương Quốc Bình, Trần Khánh Chương...

Nghệ sĩ điêu khắc Đào Văn Can được Bộ Văn hóa trao tặng bằng khen năm 1970. Được truy tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam năm 2001.